MỐI DUYÊN HỘI HỌA

Sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh của thập niên 60, 70 hội họa không phải là một cái nghề mà nhiều người theo đuổi. Cho nên tuy thích vẽ từ những ngày ở bậc tiểu học tôi cố gắng học hành để hy vọng sau này thành bác sĩ, kỹ sư. Ở Việt Nam ngày đó và nhất là trong xóm nhà lá nơi tôi ở cái chuyện xem tranh ở những phòng triển lãm là điều tôi không hề nghĩ đến. Hội họa với tôi là những hình ảnh trên những nguyệt san và nhà vẽ chân dung ở Cầu Kiệu mà mỗi ngày đi học tôi vẫn dừng chân say mê ngắm người ta vẽ.
Trong các họa sĩ vẽ bìa báo lúc đó tôi thích nhất là họa sĩ Vi Vi với những nguyệt san Tuổi Hoa và Ngàn Thông. Năm đệ nhị (lớp 11) Tuổi Hoa và họa sĩ Vi Vi có tổ chức lớp học vẽ vào cuối tuần thế là tôi ghi tên ngay. Anh Vi Vi hỏi: “Trong hội họa con mắt hay bàn tay quan trọng hơn?”. Dĩ nhiên là bàn tay, không có tay làm sao vẽ?? Phải đến mấy chục năm sau tôi mới thực sự hiểu được con mắt và cái nhìn (the way of seeing) nó quan trọng như thế nào. Lớp học chỉ có khoảng 15 người, rất gần gũi với nhau. Anh Vi Vi trong quân đội, có tuần anh không đến thì anh Hướng Dương đứng ra chỉ dẫn. Tôi có đến nhà anh Vi Vi vài lần, nhà thật sâu trong hẻm, bây giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng là đi vào từ đường Trương Minh Giảng. Anh có cho tôi một bức tranh (original painting) của một bìa báo Tuổi Hoa. Bức tranh có một cô gái đứng trong vườn có bức tượng The Thinker của Rodin. Người mẫu là em gái của anh Vi Vi. Cô Sáu hay cô Bảy gì đó, lâu quá tôi quên mất. Khi rời Việt Nam tôi không mang theo bức tranh nên đến bây giờ vẫn còn tiếc. Ngày đó tôi không có máy chụp hình nên tôi không có hình của bạn bè trong lớp vẽ Tuổi Hoa. Tấm hình duy nhất của anh Vi Vi tôi có là tranh bìa của báo Thiếu nhi, đây là hình anh Vi Vi và cô con gái nhỏ lúc đó :



Sau khi đậu Tú Tài một, mấy người bạn trong lớp vẽ Tuổi Hoa rủ nhau đi thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Bà Chiểu. Lúc đó trong lòng cũng hơi dằng co, giấc mộng bác sĩ, kỹ sư vẫn còn đẹp lắm, thi lỡ đậu thì làm sao? Không nhớ là bao nhiêu người dự thi nhưng trường chỉ nhận 25 học sinh. Tôi đậu hạng 8, không cao cũng không thấp, nhưng viễn ảnh tương lai của một người họa sĩ ở Việt Nam lúc đó không có gì sáng lạng mấy cho nên tôi đành bỏ Cao Đẳng Mỹ Thuật và tiếp tục học lên lớp 12. 
Và tuy là vẫn thích hội họa, nghề vẽ không bao giờ đến với tôi, đúng là trong lãnh vực nghệ thuật nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề

Comments

  1. Anh Lương,

    Đọc bài này, tôi nhớ ngay có thời đọc báo Tuổi Hoa, khoảng những năm 1961-1965.

    Hồi đó, tôi có gửi đăng một hai bài thơ. Một bài kí tên Hỏa Sơn gửi tặng anh Hà Tĩnh chuyên mục đố vui Zigzag. Tôi còn nhớ 2 câu đầu:

    Tớ phục bác Hà quá xá đi,
    Nghĩ ra Zigzag thật là chì...

    Cũng còn nhớ một bài khác, đăng trong mục Vườn thơ của bé:

    Hỏi sao

    Sao ơi bé hỏi sao này,
    Sao sao không hiện ban ngày hở sao?
    Sao cười chả biết nói sao
    Lấp la lấp lánh trên cao bầu trời.

    Bé Tư (nhớ hình như vậy)

    Trong Ban biên tập tờ báo, còn có tên Quyên Di nữa.

    DTK

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

DRAWING hay PAINTING?

HỌA SĨ VIVI

TỪ PHÁC HỌA ĐẾN TRANH MÀU (From analog sketch to digital painting)